Ga-la-ti 3:21-29
“Ấy vậy, luật pháp đã như thầy giáo đặng dẫn chúng ta đến Đấng Christ, hầu cho chúng ta bởi đức tin mà được xưng công bình” (câu 24).
Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô so sánh vai trò của luật pháp với vai trò của ai? Vai trò ấy thay đổi ra sao trước và sau khi đức tin đến? Những điều một người có được qua đức tin nơi Chúa Cứu Thế là gì? Bạn thường tuân theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh Thánh vì động cơ nào?
Nối tiếp câu hỏi vì sao có luật pháp (Ga-la-ti 3:19-20), Sứ đồ Phao-lô đặt mình vào vị trí của người Ga-la-ti để đặt câu hỏi: Phải chăng luật pháp và lời hứa mâu thuẫn với nhau? Không vòng vo, ông trả lời câu hỏi ấy bằng một lời khẳng định chắc chắn: “Chẳng hề như vậy!” (câu 21). Sau đó, ông dành nhiều thời gian hơn để giải thích vai trò của luật pháp. Ông dùng hai mốc thời gian để nói về vai trò đó: “trước khi đức tin chưa đến” và “khi đức tin đã đến” (câu 23, 25). Trước khi đức tin đến, luật pháp đóng vai trò “canh giữ”, “thầy giáo” (câu 22-24) có nghĩa là “người hướng dẫn, người giám hộ”.
Xét trên phương diện pháp lý, trong thời của Sứ đồ Phao-lô, và ngay cả trong thời của chúng ta, con cái sẽ không nhận được đầy đủ quyền lợi pháp lý hay quyền thừa kế cho tới khi đến tuổi trưởng thành. Trước tuổi đó, người con ấy phải ở dưới quyền của người giám hộ (Ga-la-ti 4:1-2). Cũng vậy, “khi đức tin đã đến”, những người đặt đức tin nơi Đấng Christ giống như người con đã đến tuổi trưởng thành, đã là “con trai của Đức Chúa Trời”, đã “mặc lấy Đấng Christ”, đã là “dòng dõi của Áp-ra-ham” rồi (câu 24-29), người ấy không cần phải ở dưới thẩm quyền của luật pháp nữa (câu 26-29). Vai trò “giám hộ” và “dẫn chúng ta đến với Đấng Christ” của luật pháp đã chấm dứt.
Có nhiều việc làm tốt và tích cực trong cuộc sống của Cơ Đốc nhân là kết quả của sự đổi thay sau khi tin Chúa, nhưng chúng ta có khuynh hướng biến chúng trở thành mục tiêu tối hậu, thành phương cách để được cứu rỗi, thành đối tượng để chúng ta đeo đuổi. Vâng theo điều răn của Chúa, sống ngay thật, phục vụ Chúa tích cực… tất cả đều cần và tốt. Tuy nhiên, chúng ta sẽ giống như người anh cả trong câu chuyện người con trai hoang đàng, “giúp việc cha đã bấy nhiêu năm, chưa từng trái phép” với tâm thế của một đầy tớ trong chính nhà mình, vì cho rằng “cha chẳng hề cho tôi một con dê con”. Chúng ta cảm thấy thật bất công vì chúng ta quên rằng “hết thảy của cha là của con” (Lu-ca 15:29-31). Chúng ta có quyền tự do của người trưởng thành để hưởng cơ nghiệp của mình nhưng lại muốn ở dưới sự canh giữ và ràng buộc của người giám hộ. Con cái Đức Chúa Trời phải sống trong tinh thần “sau khi đức tin đến”.
Bạn đang sống đời sống Cơ Đốc nhân với tinh thần trước hay sau khi đức tin đến? Bạn cần thay đổi điều gì trong cách nghĩ và cách sống của mình?
Lạy Chúa, thật tuyệt vời biết bao khi chúng con được sống trong thời đại đức tin và ân sủng, được giải phóng khỏi sự canh giữ của luật pháp, để chúng con tự do vui hưởng cơ nghiệp cứu rỗi và sự giàu có vô lượng, vô biên của Ngài. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: II Các Vua 15
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN:
The post Trước Và Sau Khi Đức Tin Đến – 22/4/2025 appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.