Châm Ngôn 28:14
“Người nào hằng kính sợ luôn luôn lấy làm có phước thay; Còn ai cứng lòng mình sẽ sa vào tai nạn” (câu 14).
Câu hỏi suy ngẫm: Thế nào là người cứng lòng? Người cứng lòng sẽ nhận lấy hậu quả ra sao? Bạn được nhắc nhở điều gì qua câu Châm Ngôn này?
Nếu trong phần đầu của câu 14 nói đến người luôn luôn run rẩy trước con người xấu xa của mình và sự hiện diện thánh khiết của Đức Chúa Trời, thì phần sau lại nói đến một hình ảnh tương phản, là người “cứng lòng”. Châm Ngôn 29:1 đề cập đến một khái niệm tương tự là, người “cứng cổ”. Đây là từ ngữ chỉ về một người cố ý nổi loạn, từ chối lắng nghe lời dạy dỗ. Từ này thường được dịch là “cố chấp” hoặc “cứng đầu”. Đây là sự “cứng lòng” với Chúa và Lời Chúa, là cứng lòng trước sự thật về tội lỗi trong tấm lòng, nên không nhận biết tội lỗi và từ chối ăn năn. Người không chịu ăn năn trong câu 13 sẽ trở thành kẻ “cứng lòng” trong câu 14. Có thể nói, kiêu ngạo khiến một người trở nên mù lòa thuộc linh, cố chấp, và không còn khả năng ăn năn.
Hậu quả của người cứng lòng chính là “sẽ sa vào tai nạn”. “Tai nạn” tại đây có nghĩa là “sụp đổ bất ngờ”. Người cứng lòng không lắng nghe Lời Chúa và không chịu nhìn nhận tội lỗi của mình sẽ giống như con thú thình lình bị rơi vào bẫy. Châm Ngôn 29:1 nói rõ hơn: “Sẽ bị bại hoại thình lình, không phương cứu chữa”. Kẻ cứng lòng sẽ không thể thoát khỏi bẫy mà họ thình lình rơi vào. Đây chính là hình ảnh của đoàn quân Pha-ra-ôn phải chết giữa Biển Đỏ.
Đối với những người kiêu ngạo, luôn xem mình là đúng, quyết tâm chống lại Lời Chúa thì việc nhận lãnh hậu quả là tất yếu, không thể tránh khỏi, và “không phương cứu chữa”. Hậu quả này có thể đến từ sự phán xét của Đức Chúa Trời, và cũng có thể là hậu quả tất yếu của những hành động ngu dại của họ. Hậu quả này xảy đến như “tai họa thình lình vụt đến” có thể dẫn đến cái chết (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3), và cũng có thể xảy đến ngay khi còn sống. Đối với người tin Chúa nhưng cứ cứng lòng không vâng lời Chúa và không ăn năn thì Ngài sẽ rút lại sự bảo vệ của Ngài để người đó phải gánh chịu hậu quả của sự sửa phạt (I Cô-rinh-tô 5:5).
Câu Châm Ngôn này nhắc nhở mỗi chúng ta cần phải cẩn trọng về những dấu hiệu cảnh báo đến từ Đức Chúa Trời. Đôi khi đó là tiếng nói của Chúa đến thình lình như một cơn bệnh hiểm nghèo, một tai nạn nguy hiểm, hay cái chết của một người bạn gian ác. Nếu một người cứ tiếp tục khinh thường mọi lời quở trách của Đức Chúa Trời, thì sự hủy diệt sẽ bất ngờ xảy đến và vô phương cứu chữa. Tình yêu và ân sủng của Đức Chúa Trời vô hạn nhưng cơ hội dành cho con người thì có hạn. Chớ cứng lòng nhưng hãy ăn năn để nhận được sự tha thứ từ Đức Chúa Trời.
Bạn có đang ở trong tình trạng cứng lòng trước sự nhắc nhở của Chúa không?
Lạy Chúa, xin thương xót con, xin đừng để con trở nên một người cứng lòng, nhưng xin Chúa bẻ trách, dạy dỗ, và sửa trị con để con ăn năn khi sai phạm và sống một cuộc đời khôn ngoan, đẹp lòng Ngài. Nhân danh Đức Chúa Giê-xu Christ, Amen!
Đọc Kinh Thánh trong ba năm: I Giăng 4
Phòng Truyền Thông phối hợp UB. Cơ Đốc Giáo Dục thực hiện.
Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, xin quí vị vui lòng gởi về địa chỉ: radio@httlvn.org
Kênh Youtube BHKTHN:
The post Chớ Cứng Lòng – 4/4/2025 appeared first on Hội Thánh Tin Lành Việt Nam.